Quyển sách “Tôi kể em nghe chuện Trường Sa” được viết bởi một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính biển – Nguyễn Xuân Thủy, do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011.
Trường Sa – vùng biển đảo xa xôi nơi tuyến đầu Tổ quốc không chỉ là xứ sở sóng gió mà còn chứa đựng những điều bí ẩn mà không phải ai cũng có cơ hội được khám phá. Ngay lần đầu đọc, em đã bị cuốn hút bởi cách viết nhẹ nhàng, từng câu chuyện nhỏ mở ra bao điều diệu kỳ về vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đầu tiên là cuộc hành trình “Ra đảo” của chính tác giả với tất cả những điều mới mẻ so với đất liền. Hai phần tiếp theo của quyển sách cho em biết Trường Sa có mùa biển lặng, thiên nhiên ưu ái, lòng người thư thái, cảnh vật chan hòa và mùa biển động với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây cùng với cách chế ngự thiên nhiên của con người trước sự hung dữ của những cơn sóng bạc đầu, những trận gió muối, những ngày biển động...
Điều làm em thích thú hơn ở quyển sách chính là phần thứ tư – Kỳ thú biển trời Trường Sa và phần thứ năm – Thám hiểm đáy biển Trường Sa. Đọc hai phần này, em khám phá được những cảnh đẹp tuyệt với của bình minh, sự biến đổi màu sắc trên mặt biển cũng như những loài cá, dãy san hô đẹp rực rỡ mà nếu ở đất liền có mơ em cũng không thấy được.
Với không đầy 100 trang, quyển sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” chính là bức tranh sinh động về miền biển đảo thân yêu của Việt Nam. Từng trang sách mở ra vô vàn điều thú vị mà em không thề nào bỏ qua.
Không chỉ thế, phần thứ sáu của quyển sách càng sâu sắc hơn. Em chưa bao giờ được nghe kể về cuộc sống của những người lính Trường Sa nhưng khi đọc xong phần thứ sáu với tiêu đề “Những người giữ đảo” thì em đã hiểu công sức của các chú bộ đội ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Bằng những lời văn sâu lắng, dạt dào cảm xúc, tác giả Nguyễn Xuân Thủy đã khắc họa nên hình ảnh những chú lính đảo biết vượt lên trên tất cả những thiếu thốn về lương thực và nguồn nước ngọt, vượt qua những cơn lốc xoáy, khi thì rét run người với cái lạnh hay cái nóng rám da của vùng biển đảo.
Các chú ấy đã biến niềm nhớ nhung, niềm yêu thương gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi các chú đang ngày đêm đem sự bình yên cho Tổ quốc, cho cả dân tộc, để các thế hệ nối tiếp nhau đồng cảm và viết nên những bản trường ca về chú lính biển.
Đọc quyển sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” em rất tự hào về sự trù phú, vẻ đẹp diệu kỳ của một phần máu thịt Việt Nam. Thế hệ thanh thiếu niên chúng em xin hứa cùng nhau quyết tâm thi đua thực hiện những việc làm ý nghĩa và thiết thực nhất để khẳng định tình yêu dân tộc, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc thân yêu, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trên dạt dào sóng biển. Xứng đáng là thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh